Thứ Năm, 29 Tháng Mười Hai 2022
Khoảng đầu thập niên 1990, căn nhà của vợ chồng tôi ở Dorchester, Massachusetts, trở thành “trụ sở” không phải của một hội văn bút, mà của cả một thế hệ cầm bút lưu vong đang định cư miền Đông Bắc Mỹ.
Gọi là thế hệ bởi vì đa số nhà văn nhà thơ cùng một tuổi. Họ là Trần Hoài Thư (1942), Lâm Chương (1942), Lê Mai Lĩnh (1942), Phạm Nhã Dự khoảng 1942, Trần Doãn Nho (1945) v.v… Trước 1975, họ biết nhau, chơi với nhau, viết chung một báo và nhiều người trong số họ còn vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức cùng một khóa. Tổng cộng khoảng 30 chục người tính cả chúng tôi, những người cầm bút yêu mến họ thuộc thế hệ sau.
Họ “mượn” căn nhà của vợ chồng tôi để sinh hoạt chứ không phải tôi là một phần của họ. Tôi không biết nhiều về họ nên chỉ ngồi nghe. Những người họ gọi bằng tên, bằng “thằng”, bằng “nó” là những tên tuổi lớn mà tôi đọc và kính trọng từ Văn, Bách Khoa, Khởi Hành thời trước 1975.
Mỗi người trong số họ có vài “bí kíp thơ” họ thích, có kỷ niệm và nhất là họ thuộc.
Trong một sinh hoạt văn nghệ, nếu MC giới thiệu nhà thơ Lâm Chương, xác suất cao khán giả sẽ nghe ông đọc “Sau Những Năm Đi Xa Trở Về, Viết Bài Thơ Ngày Giỗ Má” hay “Câu Gì Em Nói Nhỏ”. Nếu giới thiệu nhà thơ Phạm Nhã Dự, ông sẽ đọc ngay “Buổi Chiều Ở Nghĩa Trang Cà Đú” viết để tặng bạn ông, nhà thơ Tô Đình Sự. Nếu giới thiệu nhà thơ Trần Hoài Thư có thể ông sẽ đọc bài “Ô Cửa”. Lý do tôi nói chắc, vì ngày đó tôi làm MC cho tất cả chương trình văn nghệ lớn nhỏ ở Boston.
Một lần nhà thơ Lê Mai Lĩnh từ Hartford thuộc tiểu bang Connecticut đến thăm.
Trong phòng khách nhà tôi, trước khá đông văn nghệ sĩ, tôi giới thiệu nhà thơ Lê Mai Lĩnh. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh là một người có cá tính. Ông thích làm dáng, thích làm điệu bộ, thích đóng kịch, có khi thích giả khùng. Nếu độc giả gặp một Lê Mai Lĩnh như thế đâu đó xin đừng để ý. Bên trong, ông là một người rất hiền hòa, tình cảm và yếu mềm trước tình cảm. Ông từng khóc (thật) ở nhà tôi.
Tôi biết nhà thơ Lê Mai Lĩnh qua trung gian nhà thơ Hồ Công Tâm. Nhà thơ Hồ Công Tâm gọi và đọc trên điện thoại cho tôi nghe một bài thơ của nhà thơ Lê Mai Lĩnh tức Lê Văn Chính tức Sương Biên Thùy vừa gởi cho báo Dân Chủ Mới. Tôi không biết bút danh và tên thật của ông, và cũng chưa từng nghe đến bút hiệu Lê Mai Lĩnh. Với ông và thế hệ ông tôi là kẻ vô danh. Nhưng bài thơ làm tôi xúc động. Khi báo in ra tôi đọc lại kỹ bài thơ và càng xúc động hơn.
Bài thơ Chuyến Tàu Cuối Năm là bút ký của một người tù trên chuyến tàu từ Bắc vào Nam. Người tù này chưa được thả, chỉ bị chuyển từ một nhà tù ở Thanh Hóa vào nhà tù khác ở Gia Rai.
Bài thơ Chuyến Tàu Cuối Năm còn là tâm sự của một thế hệ, và hơn thế nữa là tâm sự của cả dân tộc trong giai đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam. Lịch sử rồi sẽ sang trang, nhưng bài thơ Chuyến Tàu Cuối Năm của Lê Mai Lĩnh sẽ sống rất lâu cùng đất nước.
Một mai, khi cách sống và lối sống của con người đổi thay, những bài thơ tỏ tình có tính thời thượng sẽ được đưa vào thư viện. Nhưng những bài thơ gắn liền với thăng trầm của dân tộc vẫn sẽ tiếp tục sống, sống trong giảng đường đại học, trong sinh hoạt văn hóa và ngay trong những quán café dưới gốc cây me hay trên vỉa phố. Bởi vì những bài thơ đó là một phần của nền văn hóa đầy sinh động của con người trong dòng chảy không ngừng của lịch sử.
Dân tộc Việt Nam còn tồn tại hôm nay và sẽ vượt qua khổ nạn Cộng Sản bởi vì các thế hệ đi sau thường rất cảm thông với sự chịu đựng và chia sẻ tâm nguyện của những người đi trước, và đứng lên tiếp tục hành trình của họ.
Trong diễn văn nổi tiếng đọc trước quốc hội Hoa Kỳ, danh tướng Douglas MacArthur kết luận bằng cách lập lại một câu danh ngôn: “Những người lính già không bao giờ chết họ chỉ tan dần đi mà thôi”. Những người lính cầm bút Việt Nam Cộng Hòa còn sống hôm nay rồi cũng sẽ tan dần. Nhưng ước mơ một ngày dân tộc Việt thăng hoa phản ảnh trong thơ ca của họ sẽ sống mãi với thời gian.
Năm, mười năm sau, một trăm năm sau, hai trăm năm sau, các nhà văn học sử Việt Nam biết đâu lại chẳng đến con đường Dorchester ở Massachusetts, con đường Bolsa ở California, con đường Bellaire ở Houston v.v… để sưu tầm dấu tích của những người cầm bút Việt Nam Cộng Hòa còn để lại sau khi đã tan đi trên đất khách.
Đêm ở nhà tôi, nhà thơ Lê Mai Lĩnh đọc bài thơ Chuyến Tàu Cuối Năm.
CHUYẾN TÀU CUỐI NĂM
Về quê hương vào những ngày cuối năm
Trên con tàu chở đầy xiềng xích
Xin vĩnh biệt chào vương quốc lừa dối
Trả lại Người những đói rét hờn căm
Mai ta đi từ bóng tối mù tăm
Nơi ta về quê miền Nam yêu dấu
Hãy ở lại những đói nghèo đau thương ẩn náu
Chia tay nghe, vĩnh biệt yên nằm
Chào không chút xót thương núi rừng Việt Bắc
Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Lào Cai
Chào Vĩnh Phú, Thanh Phong, Thanh Hóa
Còn trong ta cơn ác mộng chưa phai
Chào bo bo, chào sắn khoai, bắp xay bắp hột
Vĩnh biệt nghe nước muối đại dương
Chào rau tàu bay, lá đay rừng chua xót
Khi nghĩ về lạnh buốt khớp xương
Mai ta đi chào những ngôi giáo đường
Đứng lạnh lùng giữa hoang tàn cỏ dại
Hãy ở lại nghe những nghiêng chùa đổ chái
Áo rêu phong khép kín niềm thương
Chào con phố nào ta đã có lần qua
Dẫu không biết tên để gọi
Nhưng trong lòng ta thầm nói
Đó là phố Sinh Từ
Để nhớ Trần Dần và nhóm Nhân Văn
Để ngợi ca những thi sĩ, nhà văn
Đã dũng cảm đấu tranh cho Sự Thật
Ngậm ngùi trong lòng ta tưởng nhớ Phan Khôi
Nhớ ông Bình Vôi bất hủ
Nơi miền quê nào ông đã yên nằm ấp ủ
Nhưng trong lòng tôi ông sống mãi
Ông sống mãi rồi ông Phan Khôi ơi
Nhớ về ông tôi nghĩ tới Kim Tự Tháp của ông Hồ
Mai cuộc vuông tròn đời còn tính sổ
Mai ta đi chào những gia đình bị chỉ định cư trú
Vách đất mái tranh không đủấm mùa Đông
Nương sắn đồi khoai không đắp đổi qua ngày
Phải lặn lội rừng sâu năm năm một lần đổi chỗ
Thương cụ già tám mươi tất bật ngược xuôi
Mấy chục năm rồi đói khổ
Nhìn đàn con cháu điêu linh
Không dám đứng lâu để bày tỏ sự tình
Sợ thằng công an ngó nhìn quở mắng
Chào em bé ném đá ta ngày mới tới
Và cô bé chu miệng chửi rủa mẹ cha ta ngày mới ra
Giờ thì các em đã biết ta
Không phải là quân ăn thịt người
Nên đã có em mang sắn đến cho ta
Từ con tàu qua khỏi bờ Nam
Kinh hoàng lòng ta rợn người muốn khóc
Đã sau lưng rồi xứ sở đau thương
Ta đã thoát hang hùm khó nhọc
Trên những cánh đồng miền Trung tàu qua
Ta chỉ thấy đàn bà em nhỏ
Thanh niên đâu, đi lính hay tù
Đã mấy năm rồi quê hương thế đó
Này cô gái thanh niên xung phong
Khi con tàu qua khỏi hầm đèo
Sao cô cầm đá ném vào đầu công an
Rồi hai tay chống nạnh nhìn theo
Này các em ở sân ga Đà Nẵng
Có bao lăm lời lỗ thế nào
Mà em ném cho ta bao thuốc tặng
Nhỡ công an thấy được làm sao
Này các em nhỏở sân ga Nha Trang
Em hát những gì nghe sao ngộ nghĩnh
Em giận đời chăng rằng em bị phỉnh
“Như có Bác Hồ trong thùng phuy đậy nắp
Mở nắp ra nghe cái cốc trên đầu”
Em hát lạ lùng giữa một đám đông
Đứng vẫy tay chào các anh trở lại
Trong lòng ta từ nay sống mãi
Tình quê hương lòng đồng bào miền Nam
Trong nỗi đau quân cướp Đỏ bạo tàn
Này cái vẫy tay vụng trộm đón chào
Này con mắt nhìn dấu yêu thầm lặng
Này nụ cười trao gởi niềm tin
Đã hiểu rồi ta nhất định thắng
Chúng không giết được chúng ta sau ngày 30 tháng 4
Chúng không giết được chúng ta trong BÓNG TỐI
ĐÓI RÉT và SỰ LÃNG QUÊN
Nơi rừng núi âm u Việt Bắc
Ta đã ra ánh sáng, ta đã về đất sống
Nhất định chúng ta phải thắng
Nhất định chúng ta phải thắng
Nhất định chúng ta phải thắng
Thép đã tôi lưỡi gươm này phải sắc
Phải rắn, phải chắc, phải bền lòng, dũng cảm
Đường gươm đi phải đẹp
Phải làm lại từ đầu, với cái giá đã mua
Phải làm lại, từ đầu, đừng để lòng già nua
Tóc dẫu bạc, nhưng lòng thanh niên trẻ lại
Trên bước đường đi, trong trái tim đời thoải mái
Ta hiên ngang, chững chạc, đàng hoàng
Ta đã về, khi quân cướp hoang mang
Ta đã về, với niềm tin tất thắng
Về quê hương, vào những ngày cuối năm
Dẫu trong tay xích xiềng còn trói chặt
Nhưng trong lòng ta bao nỗi hân hoan
Khi thấy dấu bạo tàn sắp tắt
SƯƠNG BIÊN THÙY, Trại tù Gia Rai, Z30A, 1981
TRẦN TRUNG ĐẠO 28.12.2022